Ướt Mi  là ca khúc được sáng tác vào năm 1958 và chính thức được xuất bản (NXB An Phú) vào năm 1959. Tuy đây không phải là ca khúc đầu tiên ...

BÀI HÁT ĐẦU TIÊN CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

Ướt Mi là ca khúc được sáng tác vào năm 1958 và chính thức được xuất bản (NXB An Phú) vào năm 1959. Tuy đây không phải là ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn nhưng vì bài hát tồn tại như một số phận của chính nó và người nhạc sĩ họ Trịnh nên có thể coi đây là ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn.

Ướt mi - Hoàn cảnh sáng tác


Một lần ở nhà hàng Mỹ Cảnh, Trịnh Công Sơn đã tình cờ nghe được tiếng hát trầm buồn của một ca sĩ chỉ mới 16 tuổi người Huế - Thanh Thúy. Hình dáng mảnh mai trong tà áo dài với mái tóc buông lơi trên đôi vai gầy đã tạo một ấn tượng đặc biệt với chàng trai trẻ họ Trịnh.

Ngay trong đêm đó, Trịnh Công Sơn đã viết vào một mảnh giấy nhỏ đề nghị Thanh Thúy hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Một điều bất ngờ đến với Trịnh Công Sơn là Thanh Thúy đã hát bài này với cảm xúc rất mãnh liệt.Vì nghĩ đến người mẹ bị lao phổi nặng, mòn mỏi đợi con trong căn nhà nhỏ ở hẻm sâu mà khi hát đến đoạn: "...Vài con chim non, chim chíp kêu trên cành - như nhủ trời xanh: gió ngừng đi, mưa buồn chi, cho cõi lòng lâm ly... " nàng đã bật khóc.

Những giọt nước mắt của cô ca sĩ tuổi mới tròn trăng đã gieo vào lòng Trịnh Công Sơn một cảm xúc tràn ngập, trở thành nỗi ám ảnh và làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ỉ cháy trong người nhạc sĩ trẻ. Và, Trịnh Công Sơn đã viết nên ca khúc Ướt mi như thể không kìm nén được.


uot-mi-sheet-nhac-hop-am
Ướt mi - Sheet nhạc

Ướt mi - Thanh Thúy và ca khúc đầu tiên của Trịnh


Mặc dù đã hoàn thành nhưng mãi sau này Trịnh Công Sơn mới có dịp tặng ca khúc Ướt mi cho Thanh Thúy. Bản tính nhút nhát của tuổi trẻ cùng với việc Thanh Thúy lúc này đã nổi tiếng, đi đâu cũng có người đưa đón nên cơ hội đưa bài hát cho nàng là rất khó.

Dù vậy nhưng cuối cùng Trịnh Công Sơn cũng thành công, sau khi đưa bài hát cho Thanh Thúy, Trịnh Công Sơn đêm nào cũng nôn nao không ngủ được... chờ đợi và chờ đợi... đến khi sắp tuyệt vọng thì vào một đêm kia, trước khi lên bục diễn, Thanh Thúy ra dấu cho dàn nhạc tạm im để nàng nói vài lời:
Thưa quý vị! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cảm ơn.
Nói xong, Thanh Thúy quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc cho dàn nhạc và Nàng bắt đầu hát...


Bài hát cuối cùng của Trịnh Công Sơn là bài hát nào?


Không ít người thắc mắc và tò mò về ca khúc cuối cùng của Trịnh Công Sơn. Vậy có hay không về một kết quả cụ thể cho câu hỏi này. Nếu có thì đó là bài hát nào? nội dung nó ra sao?...

bai-hat-cuoi-cung-cua-trinh-cong-son
Bài hát cuối cùng của Trịnh Công Sơn?
Câu trả lời rõ nhất:
Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối cùng bởi tôi nghĩ rằng thời điểm đó mình không thể nào bắt gặp được. Nếu vì một lý do tôi buộc mình phải lên đường để viết những ý nghĩ cuối cùng trong một ca khúc thì tôi tin rằng, vào lúc đó tôi sẽ cố gắng cởi trói mình thoát khỏi mọi hệ lụy của đời để sống chứ không cần phải nói thêm một điều gì nữa.

Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.

Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu cho người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy nó làm điều.

Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng.

0 nhận xét: