Những đứa trẻ trong gia đình phân biệt mâm trên-mâm dưới sẽ nghĩ gì khi bà chúng, mẹ chúng phải chờ đàn ông "đụng đũa" mới được ăn hoặc giữa ngày xuân các bà, các mẹ tuyệt nhiên không được một chén rượu mừng, một lời chúc tụng?...
Tết Việt rườm rà (2): Khổ vì ăn!
GiadinhNet - Người ta hay ví von vui như Tết, ngon như cỗ Tết... nhưng trong đời sống hiện đại nhiều người cũng phải buột miệng kêu khổ vì Tết, mệt như ăn cỗ Tết.
Chờ mâm trên "đụng đũa" mới được ăn
Ngày Tết, ở nhiều làng quê Việt vẫn duy trì phong tục mâm trên - mâm dưới một cách khắt khe. Theo đó, toàn bộ đàn ông thường được ngồi mâm trên còn phụ nữ thì ngồi mâm dưới. Hễ mâm trên "đụng đũa" thì mâm dưới mới được "ăn theo". Tất nhiên không phải 100% các gia đình đều như thế nhưng phong tục nặng nề này đã tồn tại dai dẳng ở nhiều vùng miền phía Bắc.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nguồn gốc của phong tục này bắt nguồn từ việc ăn uống đông đúc với nhiều thế hệ trong gia đình, dòng họ nên thường chia ra nhiều mâm, mỗi mâm sẽ có sự tương đồng về vai vế, độ tuổi để tiện bề xưng hô, giao tiếp. Sau này, việc đàn ông ngồi mâm riêng cũng được lý giải theo cách dễ chấp nhận là để tiện rượu chè, chúc tụng.
Tuy nhiên, tùy theo quan niệm của mỗi vùng miền mà phong tục này đã phân hóa một cách đa dạng, phức tạp. Thậm chí, cách thức sum họp dịp lễ Tết này còn dây dưa sang cả lề lối ngày thường. Đó là những người chồng đến bữa cơm ngồi ngất ngưởng trên phản cao bên cút rượu, con cái và vợ hoặc chui vào xó bếp hoặc rải manh chiếu dưới nền nhà chờ chồng "đụng đũa". Giữa ngày Tết đòi hỏi không khí vui vẻ, chan hòa mà chuyện mâm trên-mâm dưới bị mang ra đe nẹt, phân biệt thì vui sao cho được.
Trao đổi với Báo Gia đình & Xã hội, chị Nguyễn Thu An - một phụ nữ gốc Nam làm dâu xứ Bắc tâm sự: "Ở quê chồng tôi, một làng quê thuộc vùng chiêm trũng tỉnh Hà Nam cứ ngày Tết đến là nhao nhác vì chuyện chia mâm, đợi mâm. Theo đó, ngoài lo việc cỗ bàn thì phụ nữ trong nhà phải cố nhớ cho được vai vế của từng người đàn ông trong họ mạc để mời họ lên mâm. Các bậc trưởng lão mời ngồi phản giữa nhà, kế hai bên là con trưởng, con trai, cháu trai, sau tất cả là đàn bà con dâu con gái và tất nhiên phải chờ đủ người mới ngồi, ngồi đủ mới dọn cỗ. Mỗi bữa cơm Tết như vậy thường mất rất nhiều thời gian, nghi lễ. Chưa kể đàn ông không có con trai sẽ không được ngồi cùng".
Trong nhà chị Thu An, em chồng chị là con thứ, lại sinh con một bề thành ra chỗ ngồi bên mâm cỗ Tết được mặc định là mâm dưới. Chị kể, dù là người đàn ông có sự nghiệp thành đạt, vợ đẹp con khôn, ở công ty có uy "hét ra lửa" nhưng mỗi lần về Tết quê lại đối diện với nỗi ngậm ngùi. Khi ngồi cạnh chị em, vợ con, anh ta thường nói vui rằng: "Nếu không có đàn bà con gái lo bếp núc đến mâm dưới cũng chẳng có mà ăn!". Nhưng đâu phải người đàn ông nào cũng bình thản được như thế.
Bằng chứng là nhiều gia đình, giữa ngày xuân vẫn nhiếc móc, cạnh khóe nhau vì mỗi cái vị trí ngồi. Nào: Tại sao ông được ngồi cùng tôi? Chỗ của ông phải ở đằng, của tôi đằng kia này mới đúng vai vế... rồi đến cả những người đàn ông ấm ức vì "nỗi đau thị mẹt" khi bị phân biệt thì đỏ mặt tía tai gây gổ ngay. Dân gian có câu "Trời đánh tránh miếng ăn" nhưng nhiều gia đình, rạn vỡ bắt đầu từ chỗ ngồi ăn!
Niềm vui ngày Tết đầy mộc mạc
Phụ nữ có cần được chúc rượu?
Đương nhiên là cần! Thậm chí nhiều người đàn ông vẫn ý thức rõ tình yêu với mẹ, với vợ vì họ nặng gánh hi sinh, vất vả. Trong mái nhà đầy hương vị Tết, nếu không có những người phụ nữ dậy từ tinh mơ gà gáy nấu cỗ cúng gia tiên đến cuối ngày vẫn còn vục đầu rửa từng mâm bát đĩa thì ngày Tết có gì mà nhớ mà thương? Ấy thế nhưng tại sao đến một mâm cơm sum vầy, một chén rượu xuân đúng nghĩa họ không có quyền hưởng?
Hẳn sẽ có người buột miệng nói rằng uống thì cứ uống thôi, ai cấm! Nhưng điều những người đàn bà quen ngồi mâm dưới cần đâu phải cái chén rượu nghĩa đen dốc thẳng vào cổ họng mà là sự chia sẻ, chung vui và tôn trọng trong giờ khắc thiêng liêng giao hòa giữa năm cũ, năm mới; giữa lối sống cổ truyền và hiện đại. Ngay cả mâm trên - mâm dưới ở góc độ văn hóa, tâm lý cũng không đơn thuần là sự khác biệt về vị trí nữa mà nhiều khi đó là nỗi ám ảnh, mặc cảm sâu xa.
Những đứa trẻ trong gia đình phân biệt mâm trên-mâm dưới sẽ nghĩ gì khi bà chúng, mẹ chúng phải chờ đàn ông "đụng đũa" mới được ăn hoặc giữa ngày xuân các bà, các mẹ tuyệt nhiên không được một chén rượu mừng, một lời chúc tụng?... Trong khi đời sống hiện đại đã tân tiến đến mức các thiết kế bồn rửa bàn cũng hướng ra ngoài để người phụ nữ khỏi "cô đơn" với bức tường trước mặt với nỗi buồn của dáng lưng cong cong như ong thợ tất tưởi lo dọn dẹp lau chùi.
Có thể, nếu mặc kệ những người phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ thôn quê), họ sẽ vẫn "tình nguyện" ngồi mâm dưới vì tâm lý, quan niệm hay đơn giản để tiện chăm sóc con cái trong bữa ăn hay mẹ con, chị em nói chuyện cho hợp nhưng hỏi những người đàn ông mâm trên đang đỏ mặt tía tai vì rượu hay rung đùi hãnh diện về danh phận đàn ông niềm hạnh phúc sum vầy đúng nghĩa đang thường trực trong ý nghĩ, trong niềm trắc ẩn của mình, hẳn sẽ mong manh lắm.
0 nhận xét: